Tên khác cây keo dậu: Táo nhơn, Bình linh, Bọ chét, Keo giun, Bồ kết dại, Phắc căn thin (Tày), Nàng dung điẳng (Dao).
Tên khoa học: Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit (tên đồng nghĩa Leucaena glauca Benth.), họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả cây keo dậu: Cây nhỏ cao tới 5m, không có gai, vỏ thân màu nâu nhạt. Lá kép lông chim hai lần; cuống chung dài 12-20mm; lá lông chim 4-8 đôi; lá chét 12-18 đôi gần như không cuống và hình lưỡi liềm, dài 10-15mm, rộng 3-4mm. Cụm hoa hình đầu ở nách lá, gồm nhiều hoa màu trắng. Quả đậu dẹt màu nâu, dài 13-14cm, rộng 15mm, đầu quả có mỏ nhọn; hạt 15-20, dẹt, lúc non màu lục; khi già màu nâu nhạt, cứng, nhẵn. Mùa hoa tháng 4-6; quả tháng 7-9.
Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta, thường được trồng ở nhiều nơi làm hàng rào giậu, làm cây che bóng và cải tạo đất, lấy lá làm thức ăn cho gia súc và làm phân xanh.
Thu hái: Thu hoạch quả chín vào mùa hè – thu, rồi đập lấy hạt, đem phơi hay sấy khô. Có thể dùng hạt tươi.
Bộ phận dùng: Hạt (Semen Leucaenae leucocephalae), còn dùng cả rễ.
Thành phần hoá học: Lá chứa tanin, quercitrin và là nguyên liệu cho protein và caroten. Còn có alcaloid độc là leucenin hoặc leucenol tương tự chất mimosin trong các loài thuộc chi Mimosa. Hạt chứa dầu béo, trong đó có các acid béo (palmitic, stearic, behenic, lignoceric, oleic và linoleic); hạt còn chứa chất nhầy gồm mannan, galactan và xylan.
Công năng: Trị giun đũa. Vỏ rễ có tác dụng giải uất, tiêu thũng, chỉ thống.
Công dụng: Để trị giun, thường dùng hạt tươi ăn hoặc dùng hạt khô rang lên cho nở, tán bột uống, hoặc thêm đường làm thành bánh.
Cách dùng, liều lượng cây keo dậu: Hạt khô rang cho nở, tán bột dùng hoặc thêm đường làm thành bánh. Ngày dùng 10 – 15g (trẻ em) hoặc 25 – 50g (người lớn), uống vào sáng sớm lúc đói, uống liền trong 3 – 5 buổi sáng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét